Thuế TNDN phải trả và tài sản thuế TNDN hoãn lại


Thuế thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) và việc hiểu, áp dụng các quy định về thuế thu nhập Doanh nghiệp đối với các Doanh nghiệp là khá quen thuộc. Tuy nhiên đối với Thuế Thu nhập Doanh nghiệp hoãn lại phải trả, Tài sản thuế thu nhập Doanh nghiệp hoãn lại, ... có thể nói là tương đối khó hiểu với các sinh viên khi nghiên cứu về kế toán Thuế TNDN và đối với nhân viên kế toán của các công ty trong việc hiểu và vận dụng theo quy định của chuẩn mực kế toán số 17 – Thuế thu nhập Doanh nghiệp. 
Nhằm tạo nên sự đơn giản hơn, dễ hiểu hơn cho những kế toán viên, sinh viên khi giải quyết vấn đề liên quan thuế TNDN hoãn lại phải trả và tài sản thuế TNDN, trong giới hạn bài viết này Tôi xin đi vào phân tích làm rõ một số định nghĩa và hệ thống hoá những vấn đề cơ bản theo quy định của Chuẩn mực số 17 và Thông tư hiện hành trên các khía cạnh sau: Những định nghĩa và khái niệm cơ bản về thuế TNDN hoãn lại và Tài sản thuế TNDN; Hạch toán thuế TNDN hoãn lại,... Ngoài ra, trong bài viết còn đưa vào 2 ví dụ rất cụ thể để minh họa cho việc hạch toán thuế TNDN hoãn lại phải trả và tài sản thuê để cho bạn đọc hiểu sâu hơn.

Cơ sở tính thuế thu nhập doanh nghiệp
1.Cơ sở tính thuế thu nhập của một tài sản
Định nghĩa 1:
Cơ sở tính thuế thu nhập của một tài sản: Là giá trị sẽ được khấu trừ cho mục đích thuế thu nhập, được trừ khỏi các lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp sẽ nhận được và phải chịu thuế thu nhập khi giá trị ghi sổ của tài sản đó được thu hồi.
Nếu những lợi ích kinh tế này khi nhận được mà không phải chịu thuế thu nhập thì cơ sở tính thuế thu nhập của tài sản đó bằng giá trị ghi sổ của nó.
 Ví dụ 1.1:
Một TSCĐ có nguyên giá là 100 triệu đồng: đã khấu hao luỹ kế là 30 triệu đồng, giá trị còn lại của tài sản sẽ được khấu trừ trong tương lai dưới hình thức khấu hao (hoặc giảm trừ khi thanh lý) là 70 triệu đồng. Do đó, Cơ sở tính thuế thu nhập của TSCĐ này là 70 (100-30) triệu đồng.
Hoặc theo cách lý luận khác là ta hy vọng rằng, Doanh nghiệp sử dụng TSCĐ này sẽ tạo ra được một khoản doanh thu tương đương trong tương lai là 70 triệu đồng và phải chịu thuế thu nhập khi giá trị ghi sổ của tài sản đó được thu hồi (giá trị được trừ khỏi các lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp nhận được). Do đó, Cơ sở tính thuế thu nhập của TSCĐ này là 70 triệu đồng.
(và lãi thu từ thanh lý TSCĐ cũng phải chịu thuế thu nhập, lỗ do thanh lý TSCĐ sẽ được giảm trừ cho mục đích thuế thu nhập).

Ví dụ 1.2:
Khoản phải thu thương mại có giá trị ghi sổ là 100 triệu đồng. Doanh thu tương ứng của khoản phải thu thương mại đã được tính vào lợi nhuận tính thuế thu nhập. Có nghĩa là trong tương lai doanh nghiệp sẽ thu được một khoản tiền 100 triệu đồng và không phải chịu thuế thu nhập. Do đó, Cơ sở tính thuế thu nhập của khoản phải thu thương mại này là 100 triệu đồng (bằng giá trị ghi sổ).

Ví dụ 1.3:
Một khoản cổ tức phải thu từ một công ty con có giá trị ghi sổ là 100 triệu đồng. Khoản cổ tức này không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Về thực chất, toàn bộ giá trị ghi sổ của tài sản này có thể được giảm trừ khỏi các lợi ích kinh tế. Do vậy, cơ sở tính thuế thu nhập của cổ tức phải thu là 100 triệu đồng.
        Theo ví dụ này, ở đây không có chênh lệch tạm thời phải chịu thuế thu nhập. Tức không có thuế thu nhập hoãn lại phải trả.

Ví dụ 1.4:
Một khoản cho vay phải thu có giá trị ghi sổ là 100 triệu đồng. Việc thu hồi khoản vay này không có ảnh hưởng đến thuế thu nhập. Cơ sở tính thuế thu nhập của khoản cho vay phải thu này là 100.
2. Cơ sở tính thuế thu nhập của một khoản nợ phải trả:
Định nghĩa 2:
Cơ sở tính thuế thu nhập của một khoản nợ phải trả: Là giá trị ghi sổ của nó trừ đi (-) giá trị sẽ được khấu trừ cho mục đích thuế thu nhập của khoản nợ phải trả đó trong các kỳ tương lai.
Trường hợp doanh thu nhận trước, cơ sở tính thuế của khoản nợ phải trả phát sinh là giá trị ghi sổ của nó, trừ đi phần giá trị của doanh thu đó sẽ được ghi nhận nhưng không phải chịu thuế thu nhập trong tương lai.
Trong thực tế các khoản doanh thu nhận trước kế toán hạch toán vào tài khoản 3387-Doanh thu chưa thực hiện, sau đó tiến hành phân bổ vào từng kỳ như sau:
Nợ TK 3387
   Có 511 (515,...)
   Có 3331
Đó chính là phần doanh thu được ghi nhận và đưa vào tính toán lợi nhuận kế toán qua từng kỳ kế toán. Sau kỳ kết chuyển cuối cùng thì toàn bộ khoản nhận trước sẽ được ghi nhận doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ nhưng không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ví dụ 2.1:
Nợ phải trả ngắn hạn có khoản mục “chi phí phải trả” về chi phí trích trước lương nghỉ phép với giá trị ghi sổ là 100 triệu đồng. Chi phí phải trả tương ứng được khấu trừ cho mục đích tính thuế thu nhập trong các kỳ kế toán sau trên cơ sở thực chi (tổng chi sẽ là 100 triệu đồng). Do đó, Cơ sở tính thuế thu nhập của khoản mục nợ phải trả đó là không (0=100 -100).

Ví dụ 2.2:
Nợ phải trả ngắn hạn có khoản “tiền lãi nhận trước” với giá trị ghi sổ là 100 triệu đồng. Doanh thu tiền lãi tương ứng phải chịu thuế thu nhập trên cơ sở phân bổ phù hợp với kỳ tính lãi. Ở đây, phần giá trị của khoản tiền lãi nhận trước đó sẽ được ghi nhận doanh thu nhưng không phải chịu thuế thu nhập trong tương lai là 100 triệu đồng. Do đó, Cơ sở tính thuế thu nhập của khoản lãi nhận trước này làkhông (0 = 100 - 100).

 Ví dụ 2.3:
Nợ phải trả ngắn hạn có khoản “chi phí phải trả” về tiền điện, nước, điện thoại có giá trị ghi sổ là 100 triệu đồng. Chi phí phải trả này đã được khấu trừ cho mục đích tính thuế thu nhập tại năm hiện hành. Như vậy, giá trị sẽ được khấu trừ cho mục đích tính thuế thu nhập trong tương lai là 0. Do đó, Cơ sở tính thuế thu nhập của khoản nợ phải trả này là 100 triệu đồng.

Ví dụ 2.4:
Nợ phải trả ngắn hạn có khoản “tiền phạt phải trả” với giá trị ghi sổ là 100 triệu đồng. Tiền phạt không được khấu trừ cho mục đích tính thuế thu nhập. Như vậy, giá trị sẽ được khấu trừ cho mục đích tính thuế thu nhập trong tương lai là 0. Do đó, Cơ sở tính thuế thu nhập của khoản tiền phạt phải trả này là 100 triệu đồng. (100-0)
    
Theo ví dụ này, ở đây không có chênh lệch tạm thời được khấu trừ. Do đó, không có tài sản thuế thu nhập hoãn lại.

Ví dụ 2.5:
Một khoản đi vay phải trả có giá trị ghi sổ là 100 triệu đồng. Việc thanh toán khoản vay này không có ảnh hưởng đến thuế thu nhập. Vậy, Cơ sở tính thuế thu nhập của khoản đi vay này là 100 triệu đồng.
3.THUẾ TNDN HOÃN LẠI PHẢI TRẢ & TÀI SẢN THUẾ TNDN HOÃN LẠI
Thuế thu nhập hiện hành của kỳ hiện tại và các kỳ trước, nếu chưa nộp, phải được ghi nhận là nợ phải trả. Nếu giá trị đã nộp trong kỳ hiện tại và các kỳ trước vượt quá số phải nộp cho các kỳ đó, thì phần giá trị nộp thừa sẽ được ghi nhận là tài sản.

- Thuế thu nhập hoãn lại phải trả: Là thuế TNDN sẽ phải nộp trong tương lai tính trên các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế TNDN trong năm hiện hành. Công thức xác định thuế TNDN hoãn lại phải trả:
Thuế thu nhập hoãn lại phải trả
=
Tổng chênh lệch tạm thời chịu thuế trong năm
x
Thuế suất thuế TNDN theo quy định hiện hành


Chênh lệch tạm thời chịu thuế trong năm: Là các khoản chênh lệch tạm thời làm phát sinh thu nhập chịu thuế khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong tương lai khi mà giá trị ghi sổ của các khoản mục Tài sản hoặc nợ phải trả liên quan được thu hồi hay được thanh toán.
Thuế Thu nhập hoãn lại phải trả được ghi nhận cho tất cả các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế trừ khi thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh từ ghi nhận ban đầu của một Tài sản hay Nợ phải trả của một giao dịch mà giao dịch này không ảnh hưởng đến lợi nhuận kế toán hoặc lợi nhuận tính thuế TNDN (hoặc lỗ tính thuế) tại thời điểm phát sinh giao dịch.
Để phản ánh khoản Thuế thu nhập hoãn lại phải trả này, Thông tư quy định sử dụng Tài khoản 347 – Thuế thu nhập hoãn lại phải trả, Tài khoản 8212 – Chi phí thuế thu nhập hoãn lại
- Tài sản thuế thu nhập hoãn lại: Là thuế TNDN sẽ được hoàn lại trong tương lai tính trên các khoản: chênh lệch tạm thời được khấu trừ; Giá trị được khấu trừ chuyển sang năm sau của các khoản lỗ tính thuế chưa sử dụng; Giá trị được khấu trừ chuyển sang năm sau của các khoản ưu đãi thuế chưa sử dụng. Công thức xác định thuế Tài sản thuế TNDN:
Tài sản thuế Thu nhập hoãn lại
=
Tổng chênh lệch tạm thời được khấu trừ phát sinh trong năm
+
Giá trị được khấu trừ chuyển sang năm sau của các khoản lỗ tính thuế và ưu đãi thuế chưa sử dụng
X
Thuế suất thuế TNDN theo quy định hiện hành


Chênh lệch tạm thời được khấu trừ: Là các khoản chênh lệch tạm thời làm phát sinh các khoản được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong tương lai khi mà giá trị ghi sổ của các khoản mục Tài sản hoặc Nợ phải trả liên quan được thu hồi hay được thanh toán.
Doanh nghiệp chỉ được ghi nhận tài sản thuế Thu nhập hoãn lại tính trên các khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ này khi và chỉ khi chắc chắn có đủ lợi nhuận tính thuế trong tương lai để sử dụng các khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ, các khoản lỗ tính thuế và ưu đãi về thuế chưa sử dụng.
Để phản ánh khoản mục Tài sản thuế thu nhập hoãn lại theo quy định của Thông tư kế toán sử dụng Tài khoản 243 – Tài sản thuế thu nhập hoãn lại, Tài khoản 8212- Chi phí thuế thu nhập hoãn lại.
- Chênh lệch tạm thời: Là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của các khoản mục Tài sản hay Nợ phải trả trong Bảng cân đối kế toán và cơ sở tính thuế thu nhập của các khoản mục này.
Chênh lệch tạm thời chịu thuế TNDN = Giá trị ghi sổ - Cơ sở tính thuế TNDN
Cơ sở của việc ghi nhận một tài sản là giá trị ghi sổ của tài sản đó sẽ được thu hồi thông qua hình thức doanh nghiệp sẽ nhận được lợi ích kinh tế trong tương lai. Khi giá trị ghi sổ của tài sản vượt quá cơ sở tính thuế thu nhập của nó thì giá trị của lợi ích kinh tế phải chịu thuế thu nhập là phần giá trị vượt quá giá trị được phép khấu trừ cho mục đích tính thuế. Đó chính là phần chênh lệch tạm thời chịu thuế và nghĩa vụ phải trả cho khoản thuế thu nhập do chênh lệch này tạo ra trong tương lai và gọi là thuế thu nhập hoãn lại phải trả. Khi doanh nghiệp thu hồi giá trị ghi sổ của tài sản đó thì khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế sẽ hoàn nhập và doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận chịu thuế thu nhập.
Ví dụ:
Doanh nghiệp nhận chuyển nhượng một tài sản cố định có nguyên giá là 150 triệu đồng, giá trị còn lại là 100 triệu đồng. Khấu hao luỹ kế cho  mục đích tính thuế thu nhập là 90 triệu và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%.
 Cơ sở tính thuế thu nhập của tài sản là 60 triệu (nguyên giá 150 trừ khấu hao luỹ kế cho mục đích tính thuế 90 triệu).
     Để thu hồi giá trị ghi sổ 100 này, doanh nghiệp phải có thu nhập chịu thuế là 100, nhưng chỉ có thể có khấu hao cho mục đích tính thuế là 60. Do vậy, doanh nghiệp sẽ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 10 triệu (25% của 40 triệu) khi doanh nghiệp thu hồi giá trị ghi sổ của tài sản này. Chênh lệch giữa giá trị ghi sổ 100 triệu và cơ sở tính thuế 60 triệu là khoản chênh lệch tạm thời phải chịu thuế 40 triệu đồng.
     Vì vậy, doanh nghiệp ghi nhận một khoản nợ thuế thu nhập hoãn lại phải trả là 10 triệu đồng thể hiện phần thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp sẽ phải nộp khi doanh nghiệp thu hồi được giá trị ghi sổ của tài sản.
4.Hạch toán Thuế TNDN hoãn lại phải trả & Tài sản thuế TNDN
- Xác định các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế trong năm: Cuối năm tài chính, khi lập Báo cáo tài chính, kế toán phải xác định cơ sở tính thuế của Tài sản và các khoản Nợ phải trả làm căn cứ xác định khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế. Các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế được phản ánh vào “Bảng xác định chênh lệch tạm thời chịu thuế”. “Bảng xác định chênh lệch tạm thời chịu thuế” dùng để phản ánh chi tiết từng khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế (từng Tài sản, từng Nợ phải trả, từng giao dịch).

+ Xác định thuế thu nhập hoãn lại phải trả: Cuối năm tài chính, căn cứ vào “Bảng xác định chênh lệch tạm thời chịu thuế” và các khoản do áp dụng hồi tố thay đổi chính sách kế toán hoặc điều chỉnh hồi tố các sai sót trọng yếu của các năm trước kế toán lập “Bảng xác định thuế thu nhập hoãn lại phải trả”

- Các nghiệp vụ hạch toán cụ thể: Cuối năm tài chính, kế toán căn cứ vào “Bảng xác định thuế thu nhập hoãn lại”

4.1. So sánh thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm với thuế thu nhập hoãn lại phải trả hoàn nhập trong năm. 
+ Nếu số thuế thu nhập hoãn phải trả phát sinh trong năm lớn hơn số thuế thu nhập hoãn lại phải trả hoàn nhập trong năm, kế toán ghi:
Nợ TK 8212 – Chi phí thuế TNDN hoãn lại: Phần chênh lệch
Có TK 347 – Thuế Thu nhập hoãn lại phải trả : Phần chênh lệch

+ Nếu số thuế thu nhập hoãn phải trả phát sinh trong năm nhỏ hơn số thuế thu nhập hoãn lại phải trả hoàn nhập trong năm, kế toán ghi:
Nợ TK 347 – Thuế thu nhập hoãn lại phải trả: Phần chênh lệch
Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập hoãn lại: Phần chênh lệch

4.2. Trường hợp thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh từ việc áp dụng hồi tố thay đổi chính sách kế toán hoặc điều chỉnh hồi tố các sai sót trọng yếu của các năm trước, kế toán ghi: 
+ Nếu phải điều chỉnh tăng thuế thu nhập hoãn lại
Tăng Số dư Nợ đầu năm TK 4211 (nếu TK 4211 có số dư Nợ)
Giảm Số dư Có đầu năm TK 4211 (nếu TK 4211 có số dư Có)
Tăng Số dư Có đầu năm TK 347 – Thuế thu nhập hoãn lại phải trả

+ Nếu phải điều chỉnh giảm thuế thu nhập hoãn lại
Giảm Số dư Có đầu năm TK 347 – Thuế thu nhập hoãn lại phải trả
Tăng Số dư Có đầu năm TK 4211 (nếu TK 4211 có số dư Có)
Giảm số dư Nợ đầu năm TK 4211 (nếu TK 4211 có số dư Nợ)

- Xác định các khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ trong năm: Cuối năm tài chính, kế toán phải xác định cơ sở tính thuế của Tài sản và các khoản Nợ phỉa trả làm căn cứ xác định các khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ. Các khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ được phản ánh vào “Bảng xác định chênh lệch tạm thời được khấu trừ”. “Bảng xác định chênh lệch tạm thời được khấu trừ” dùng để phản ánh chi tiết từng khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ phát sinh trong năm (từng Tài sản, từng khoản Nợ phải trả, từng giao dịch)

+ Trường hợp, Doanh nghiệp không có khả năng chắc chắn sẽ có được lợi nhuận tính thuế trong tương lai, kế toán không được ghi nhận Tài sản thuế thu nhập hoãn lại tính trên các khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ phát sinh trong năm. Toàn bộ các khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ này được theo dõi riêng trên “Bảng theo dõi chênh lệch tạm thời được kháu trừ chưa sử dụng” làm căn cứ xác định Tài sản thuế thu nhập hoãn lại trong các năm sau khi Doanh nghiệp có đủ lợi nhuận chịu thuế thu nhập để thu hồi Tài sản thuế thu nhập hoãn lại này.

- Các nghiệp vụ hạch toán cụ thể: Cuối năm tài chính, kế toán căn cứ vào “Bảng xác định Tài sản thuế thu nhập hoãn lại”

4.3. So sánh Tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm với Tài sản thuế thu nhập hoãn lại hoàn nhập trong năm. 
+ Nếu Tài sản thuế thu nhập hoãn phát sinh trong năm lớn hơn Tài sản thuế thu nhập hoãn lại hoàn nhập trong năm, kế toán ghi nhận bổ sung phần chênh lệch nếu chắc chắn rằng trong tương lai Doanh nghiệp có đủ lợi nhuận tính thuế để thu hồi Tài sản thuế thu nhập hoãn lại được ghi nhận trong năm hiện tại:
Nợ TK 243 – Tài sản thuế thu nhập hoãn lại: Phần chênh lệch tăng
Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập hoãn lại: Phần chênh lệch tăng

+ Nếu Tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm nhỏ hơn Tài sản thuế thu nhập hoàn lại trong năm, kế toán ghi:
Nợ TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập hoãn lại: Phần chênh lệch giảm
Có TK 243 – Tài sản thuế thu nhập hoãn lại: Phần chênh lệch giảm

4.4. Trường hợp Tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh từ việc áp dụng hồi tố thay đổi chính sách kế toán hoặc điều chỉnh hồi tố các sai sót trọng yếu của các năm trước, kế toán ghi: 
+ Nếu điều chỉnh tăng Tài sản thuế thu nhập hoãn lại
Tăng số Dư Nợ đầu năm TK 243 – Tài sản thuế thu nhập hoãn lại
Tăng số Dư Có đầu năm TK 4211 (nếu TK 4211 có số Dư Có)
Giảm số Dư Nợ đầu năm TK 4211 (nếu TK 4211 có số Dư Nợ)

+ Nếu điều chỉnh giảm Tài sản thuế thu nhập hoãn lại
Tăng số Dư Nợ đầu năm TK 4211 (nếu TK 4211 có số Dư Nợ)
Giảm số Dư Có đầu năm TK 4211 (nếu TK 4211 có số Dư Có)
Giảm số Dư Nợ đầu năm TK 243 – Tài sản thuế thu nhập hoãn lại
VÍ DỤ:
1. TÀI SẢN THUẾ THU NHẬP HOÃN LẠI
Ví dụ 1Năm 2005, Công ty Baimex mua hai TSCĐ:
      - TSCĐ A có giá mua là 12.000.000đ, thời gian sử dụng hữu ích theo kế toán là 3 năm, theo thuế là 6 năm; TSCĐ B có giá mua là 10.000.000đ, thời gian sử dụng hữu ích theo kế toán là 2 năm, theo thuế là 4 năm.
      - Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25%. Giả sử công ty chỉ có tài sản thuế thu nhập hoãn lại liên quan đến TSCĐ A và B.
Yêu cầu: Hãy xác định và ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại liên quan đến khấu hao TSCĐ.
 Việc xác định tài sản thuế thu nhập hoãn lại được thực hiện như sau:
Xác định chênh lệch tạm thời được khấu trừ liên quan đến từng TSCĐ từ năm 2005 đến 2010
 Đơn vị tính:1.000đ
Chỉ tiêu
Năm tài chính

2005
2006
2007
2008
2009
2010
TSCĐ A (NG: 12.000)






Chi phí khấu hao (theo kế toán)
(4.000)
(4.000)
(4.000)



Chi phí khấu hao (theo thuế)
(2.000)
(2.000)
(2.000)
(2.000)
(2.000)
(2.000)
Chênh lệch tạm thời được khấu trừ tăng

2.000

2.000

2.000



Chênh lệch tạm thời được khấu trừ giảm (Hoàn nhập)




(2.000)

(2.000)

(2.000)
TSCĐ B (NG: 10.000)






Chi phí khấu hao (theo kế toán)
(5.000)
(5.000)




Chi phí khấu hao (theo thuế)
(2.500)
(2.500)
(2.500)
(2.500)


Chênh lệch tạm thời được khấu trừ tăng

2.500

2.500




Chênh lệch tạm thời được khấu trừ giảm (Hoàn nhập)



(2.500)

(2.500)


Tổng chênh lệch tạm thời được khấu trừ tăng của TSCĐ A&B
4.500
4.500




Tổng chênh lệch tạm thời được khấu trừ giảm (hoàn nhập) của TSCĐ A&B


(500)
(4.500)
(2.000)
(2.000)
Tài sản thuế thu nhập hoãn lại được ghi nhận
1.125
1.125




Tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập


(125)
(1.125)
(500)
(500)
Trong 2 năm 2005 và 2006, Công ty Baimex phải xác định khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ phát sinh trong từng năm là 4.500.000 đ tương ứng với việc ghi giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại và ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại  mỗi năm là 1.125.000đ (4.500.000x25%). Kế toán ghi:
      Nợ TK 243: 1.125.000 đ
            Có TK 8212: 1.125.000 đ. 
- Năm 2007, Công ty Baimex phải xác định:
      + Khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ phát sinh tăng liên quan đến TSCĐ A là 2.000.000 đ
      + Khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ phát sinh giảm (hoàn nhập) liên quan đến TSCĐ B là 2.500.000 đ
      Kết quả, năm 2007, chênh lệch tạm thời được khấu trừ liên quan tới TSCĐ A và TSCĐ B giảm 500.000 đ. Công ty Baimex phải hoàn nhập tài sản thuế thu nhập hoãn lại và ghi tăng chi phí thuế TNDN hoãn lại là 125.000 đ Kế toán ghi:
      Nợ TK 8212: 125.000 đ
            Có TK 243: 125.000 đ. 
- Năm 2008, Công ty Baimex xác định:
      + Khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ phát sinh giảm (hoàn nhập) liên quan đến TSCĐ A là 2.000.000 đ
      + Khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ phát sinh giảm (hoàn nhập) liên quan đến TSCĐ B là 2.500.000 đ
      Kết quả, năm 2008, chênh lệch tạm thời được khấu trừ liên quan tới TSCĐ A và TSCĐ B giảm 4.500.000 đ. Công ty Baimex phải hoàn nhập Tài sản thuế thu nhập hoãn lại và ghi tăng chi phí thuế TNDN hoãn lại là 1.125.000 đ. Kế toán ghi:
      Nợ TK 8212: 1.125.000 đ
            Có TK 243: 1.125.000 đ. 
- Năm 2009 và 2010, Công ty Baimex xác định:
      Khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ phát sinh giảm liên quan đến TSCĐ A trong mỗi năm là 2.000.000 đ, tương ứng, công ty Baimex phải hoàn nhập Tài sản thuế thu nhập hoãn lại là 500.000 đ. Kế toán ghi:
      Nợ TK 8212: 500.000 đ
            Có TK 243: 500.000 đ. 
2. THUẾ THU NHẬP HOÃN LẠI PHẢI TRẢ
      Ví dụ: Năm 2006, Công ty Baimex mua hai TSCĐ:
      - TSCĐ C có giá mua là 24.000.000đ, thời gian sử dụng hữu ích theo kế toán là 6 năm, theo thuế là 3 năm; TSCĐ D có giá mua là 10.000.000đ, thời gian sử dụng hữu ích theo kế toán là 4 năm, theo thuế là 2 năm.
      - Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25%. Giả sử công ty chỉ có thuế thu nhập hoãn lại phải trả liên quan đến TSCĐ C và D. 
Yêu cầu: Xác định và ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả liên quan đến khấu hao TSCĐ.
Việc xác định thuế thu nhập hoãn lại phải trả được thực hiện như sau: 
Xác định chênh lệch tạm thời chịu thuế liên quan đến từng TSCĐ từ năm 2006 đến 2011
                                                                                                       Đơn vị tính:1.000đ
Chỉ tiêu
Năm tài chính

2006
2007
2008
2009
2010
2011
TSCĐ C (NG: 24.000)






Chi phí khấu hao (theo thuế)
(8.000)
(8.000)
(8.000)



Chi phí khấu hao (theo kế toán)
(4.000)
(4.000)
(4.000)
(4.000)
(4.000)
(4.000)
Chênh lệch tạm thời chịu thuế tăng
4.000
4.000
4.000



Chênh lệch tạm thời chịu thuế giảm (Hoàn nhập)



(4.000)
(4.000)
(4.000)
TSCĐ D (NG: 10.000)






Chi phí khấu hao (theo thuế)
(5.000)
(5.000)




Chi phí khấu hao (theo kế toán)
(2.500)
(2.500)
(2.500)
(2.500)


Chênh lệch tạm thời chịu thuế tăng
2.500
2.500




Chênh lệch tạm thời chịu thuế giảm (Hoàn nhập)


(2.500)
(2.500)


Tổng chênh lệch tạm thời chịu thuế tăng của TSCĐ C&D
6.500
6.500
1.500



Tổng chênh lệch tạm thời chịu thuế giảm (hoàn nhập) của TSCĐ C&D



(6.500)
(4.000)
(4.000)
Thuế thu nhập hoãn lại phải trả được ghi nhận
1.625
1.625
375



Thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập



(1.625)
(1.000)
(1.000)
- Trong 2 năm 2006 và 2007: Công ty Baimex phải xác định khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế phát sinh trong từng năm là 6.500.000đ tương ứng với việc ghi nhận Chi phí thuế TNDN hoãn lại và ghi nhận Thuế thu nhập hoãn lại phải trả mỗi năm là 1.625.000đ (6.500.000 x 25%). Kế toán ghi:
      Nợ TK 8212:   1.625.000 đ
            Có TK 347:  1.625.000 đ 
 - Năm 2008, Công ty Baimex phải xác định:
      + Khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế phát sinh tăng liên quan đến TSCĐ C là 4.000.000 đ;
      + Khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế phát sinh giảm (hoàn nhập) liên quan đến TSCĐ D là 2.500.000 đ;
    Kết quả, năm 2008, chênh lệch tạm thời chịu thuế liên quan tới TSCĐ C và TSCĐ D tăng 1.500.000 đ. Công ty Baimex phải ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả và ghi nhận chi phí thuế TNDN hoãn lại là 375.000 đ(1.500.000 x 25%) Kế toán ghi:
      Nợ TK 8212: 375.000 đ
            Có TK 347: 375.000 đ 
- Năm 2009, Công ty Baimex xác định:
      + Khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế phát sinh giảm (hoàn nhập) liên quan đến TSCĐ C là 4.000.000đ.
      + Khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế phát sinh giảm (hoàn nhập) liên quan đến TSCĐ D là 2.500.000đ.
      Kết quả, năm 2009, chênh lệch tạm thời chịu thuế liên quan tới TSCĐ C và TSCĐ D giảm (hoàn nhập) 6.500.000đ Công ty Baimex phải hoàn nhập thuế thu nhập hoãn lại phải trả và ghi giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại là 1.625.000đ (6.500.000 x 25%). Kế toán ghi
      Nợ TK 347: 1.625.000 đ
            Có TK 8212: 1.625.000 đ. 
- Năm 2010 và 2011, Công ty Baimex  xác định:
      Khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế phát sinh giảm (hoàn nhập) liên quan đến TSCĐ C trong mỗi năm là 4.000.000 đ, tương ứng, công ty Baimex phải hoàn nhập thuế thu nhập hoãn lại phải trả và ghi giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại là 1.000.000 đ (4.000.000 x 25%). Kế toán ghi:
      Nợ TK 347:  1.000.000đ
            Có TK 8212: 1.000.000đ
Nguồn:Trần Thứ Ba faa.edu.vn

Không có nhận xét nào: